Hiểu sâu sắc về cái chết

Hiểu sâu sắc về cái chết, thì chúng ta chưa bao giờ chết. Chúng ta chỉ ở đây

Cái chết như một sự thật hiển nhiên của đời sống, có sinh ra rồi cũng có ngày mất đi. Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng có sự hiểu biết và tâm thế đúng đắn khi đón nhận cái Chết. Thậm chí, rất nhiều người mang một nỗi sợ rất lớn, vô hình về sự ám ảnh của cái chết.


Sợ Chết thì hầu như ai cũng có vì nó là bản năng sinh tồn và được tạo hoá cài đặt sẵn để tự vệ. Tuy nhiên cái “sợ sinh tồn” thì rất khác với cái “sợ do ảo tưởng, lầm lẫn” gây ra. Vì cái sợ đó mà chúng ta nhìn nhận, đánh giá mọi thứ trong cuộc sống không còn khách quan, đúng bản chất thật của nó nữa.


Trong đời sống hiện nay, chỉ vì “sợ chết” mà con người chồng chất ngày càng thêm nhiều nỗi sợ lên đó (sợ mất mát, sợ tổn thương, sợ hư hoại, sợ bị lừa gạt, phản bội….)


Hiểu theo một cách nào đó, tất cả mọi thứ trên thế giới này đều có thể “thử được” tuy nhiên cái chết thì không. Có lẽ vì vậy đó mà cái chết vẫn là một trong những chủ đề bí ẩn và tạo sự tò mò nhất trong kiếp người.


Khi chết chúng ta đi về đâu? Có tồn tại cuộc sống sau cái chết? Đâu mới là cái hiểu đúng đắn, sâu sắc về cái chết?


Hiện nay thế giới tồn tại 2 dòng quan niệm ngược chiều nhau về cái chết.


Luồng tư tưởng thứ nhất nói rằng “chết là hết”. Tức không tồn sự sống khác sau cái chết. Khi mất đi họ sẽ sống đời sống của một linh hồn, và mãi mãi tồn tại ở thế giới bên kia.


Luồng tư tưởng thứ hai nói rằng: Sau khi chết chúng ta sẽ tiếp nối rất nhiều đời sống khác nhau và sẽ “chết” rất nhiều lần sau đó nữa? Mỗi lần kết thúc chúng ta lại tiếp nối một đời sống mới, và kết thúc hành trình đó là một cái chết. 


Chúng ta có rất nhiều đời sống khác sau cái chết?



Vậy quan niệm nào mới là đúng?


Theo lời Đức Phật dạy, tất cả mọi sự sống biểu hiện được là do Nhân duyên hợp thành. Khi nhân duyên hội tụ thì sự sống khởi sinh, khi nhân duyên tan rã thì sự sống hoại diệt.


Ví dụ cây cối có đất nước, mưa nắng mới tồn tại và sinh trưởng được. Khi mất đi một trong các điều kiện đó hoặc cây đã sống hết tuổi thọ đã được ấn định (của giống loài đó) sẽ chết đi để biến thành một dạng vật chất, năng lượng khác.


Nói về cái chết, ngày nay khoa học cũng đã thực hiện được rất nhiều nghiên cứu về trải nghiệm cận tử của con người. Số lượng nghiên cứu lên tới hàng ngàn ca và có một hiệp hội chuyên khảo cứu về hiện tượng cận tử này gọi là Hiệp hội Nghiên cứu Cận tử Quốc tế IANDS. Trong báo cáo của mình, họ kết luận ý thức sống của con người và hoạt động của não bộ hoàn toàn độc lập với nhau.


Có nghĩa là sau khi chết (não bộ ngừng hoạt động) những ý thức của họ vẫn tồn tại để trải nghiệm sự sống. Tuy mỗi người có những trải nghiệm khác nhau, nhưng đều có điểm chung là họ vẫn có ý thức để nhận biết được tất cả những gì đang xảy ra trong hoàn cảnh đó.


Câu chuyện về sự tái sinh những Đạt-Lai-Lạt-Ma Tây Tạng cũng phần nào hé lộ cho chúng ta về bí ẩn sau cái Chết. Các Đạt-Lai-Lạt-Ma được cho là sẽ dự báo trước cái chết của mình. Trước khi chết các vị sẽ để lại đồ vật “làm dấu” và những lời “chỉ dẫn” để giúp các hậu bối tìm thấy kiếp sau của mình.


Truyền thống này ở Tây Tạng đã truyền được 14 đời, và vị Đạt-Lai-Lạt-Ma hiện nay là vị thứ 14 (tức tái sinh đời thứ 14).


Như vậy không chỉ truyền thống Phật giáo Tây tạng mà còn rất nhiều tôn giáo, truyền thông tâm linh khác ghi nhận có đời sống sau cái chết.


Và Phật giáo là một trong những tôn giáo mô tả cặn kẽ, chi tiết và tượng tận nhất những con đường mà một người sẽ sinh ra sau khi chết và cảnh sống đó là như thế nào.


Vậy, cuộc đời 70,80 năm của chúng ta có chăng chỉ là một lát cắt rất ngắn trong chuỗi “muôn kiếp nhân sinh” dài vô tận trong sự sống vô thuỷ, vô chung?


Có chăng cái chết, sự tàn lụi về thể xác chỉ là một sự tan rã về vật chất nhưng ý thức và toàn bộ những tàng thức (hiểu biết, kinh nghiệm) sẽ đi theo ta luân hồi qua các kiếp sống?


Chính vì cái chết là bí ẩn, có quá nhiều luồng tư tưởng, tranh luận xung quanh và không thể thực chứng nên con người trở nên hoài nghi, sợ hãi, hoang mang về cái chết.


Tuy nhiên nếu chúng ta biết quan sát các sự vật hiện tượng để nhìn sâu vào bản chất thật của sự sống, chúng ta sẽ khám phá ra quy luật và sẽ mở ra sự hiểu biết không chỉ về sự chết mà còn sự sống!


Trong cuốn sách “Không sinh không diệt đừng sợ hãi”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết:


“Mọi sự, mọi vật đều không được sinh ra hay mất đi vì chúng luôn luôn ở trong tiến trình liên tục biểu hiện.”


“Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ, thì chúng rút lui”


“Khi ta nhìn lên bầu trời và không thấy đám mây mà ta yêu quý đâu nữa, ta nghĩ rằng đám mây đó đã chết, nhưng sự thực là đám mây đó vẫn đang tiếp tục tồn tại nhưng dưới hình tướng là mưa hay những hình tướng khác mà thôi. Sinh và diệt chỉ là những hiện tượng mà ta nhìn thấy trên bề mặt. Nếu ta nhìn thật sâu thì không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự tiếp nối không ngừng”


Như vậy, đám mây không mất đi đâu cả. Nó chỉ tiếp nối, chuyển hoá từ dạng này, sang dạng khác và biểu hiện ở hình thức mới mà thôi.


Bản chất thật của vạn vật là không đứng hoàn toàn độc lập và tách rời, chúng là sự liên tục chuyển hoá để tạo thành sinh và diệt.


Như vậy khi một người mất đi, chúng ta vẫn biết rằng họ vẫn đang tiếp nối cho cuộc sống hiện tại của rất nhiều người như di truyền ADN, lời dạy cho con cháu, những việc họ làm, những tình cảm đã trao… vv Còn bản thân họ sẽ rời bỏ một số nhân duyên và tiếp nhận những nhân duyên để đi về một kiếp sống mới.


Như vậy, mọi vật đều vô sinh bất diệt. Và sự sống là luôn luôn tiếp nối và kết hợp.


Hiểu được điều này chúng ta sẽ không quá lo lắng về cái chết. Chúng ta chỉ đang trải nghiệm những “môi trường sống” khác nhau qua các kiếp sống mà thôi.


Và cho dù khi mất đi sự kết nối về vật lý, các giác quan (biệt ly với người thân) thì chúng ta vẫn luôn kết nối với nhau bằng cách nào đó về mặt “tiếp nối”. Những kết nối này không bao giờ mất đi, mà nó là nền tảng sự sống mới.


Cách hiểu đúng là chúng ta nhìn đâu cũng thấy Sinh Tử luôn luôn tiếp nối. Chết cũng có nghĩa là tồn tại trong dòng chảy nhân duyên vô tận của tự nhiên.

Càng chiêm nghiệm, suy ngẫm điều này sâu sắc chúng ta sẽ ngày càng hiểu rõ hơn bản chất như thực về cái chết. Khi đã hiểu rõ chết không có nghĩa là kết thúc, hay mất đi vĩnh viễn rất nhiều nỗi sợ về sự mất mát của chúng ta sẽ tiêu tan


Đồng thời, khi ý thức được rằng, sự sống là do Nhân duyên hợp tan. Chúng ta sẽ luôn luôn ý thức và trân trọng từng phút giây trong sự sống hiện tại.


Bởi sẽ không có khoảnh khắc nào lặp lại y hệt giây phút này, đời sống như "nước trôi qua kẽ tay”, trôi qua là mất. Nhân duyên trước quyết định nhân duyên sau. Do đó chúng ta luôn biết cách gieo trồng những hạt giống lành để làm nền tảng cho sự tiếp nối về sau.


Chết không có nghĩa là hết!


Cái chết là bắt đầu cho một sự “tiếp nối” mới.


Thái Minh Phú Vĩ cập nhật