Làm chủ cảm xúc

CHINH PHỤC ĐƯỢC CẢM XÚC, LÀ CHÚNG TA LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI MÌNH

Thành công và thất bại là hai mặt của âm dương luôn đồng hành cùng nhau. Mọi việc xảy ra như dụ kiến, như mục tiêu, như những gì ta đã vẽ ra thì ta cho đó là thành công, còn ngược lại là thất bại. Có một điều là thất bại nhiều hơn thành công, lý do là do đâu. Giải pháp nào giúp chúng ta giảm bớt thất bại đó chính là "làm sao quản lý cảm xúc dễ dàng?"


Con người dễ bị cảm xúc dẫn dắt và gây ra nhiều phiền não hơn là lý trí. Bằng chứng là những chương trình với chủ đề “Quản lý cảm xúc” thu hút được nhiều sự quan tâm trên các phương tiện báo chí, truyền thông.


Nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng Napoleon từng nói: "Một người có thể kiểm soát cảm xúc của mình còn vĩ đại hơn một vị tướng có thể đánh hạ một thành trì”.


Trong cuộc sống, sẽ có vô số điều không như ý nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chúng ta. Ví dụ, trong công việc chúng ta bị ai đó nói xấu, hoặc về nhà con cái không nghe lời, vợ chồng mâu thuẫn…


Nếu chúng ta không biết điều khiển cảm xúc, thì quanh năm suốt tháng, cảm xúc của chúng ta sẽ bị trồi sụt bởi bất kỳ ai và bất kỳ điều gì. Nhưng nghịch lý là chính cảm xúc của ta, một thứ tưởng là của mình thì mình hiển nhiên có thể kiểm soát, lại rất khó kiểm soát.


Vậy làm thế nào để có thể quản lý cảm xúc hiệu quả? Để làm chủ cuộc đời mình mà không ai hoặc bất kỳ điều gì có thể chi phối được?


Để có thể làm chủ cảm xúc dễ dàng thì chúng ta cần phải biết “nghĩ cho người khác”.


Vì chúng ta có xu hướng chỉ nghĩ cho bản thân mình và cho rằng mọi thứ chúng ta làm đều đúng hết, nếu có thì cũng chỉ là những sai sót nhỏ, còn lại phần lớn là những lỗi lầm của người khác.


Với cách nhìn đó, một là chúng ta thấy mình bị thiệt thòi, bất công, rồi chìm vào cảm giác tủi thân cũng như những cảm xúc tiêu cực khác. Điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.


Hoặc cách phản ứng thứ hai là chúng ta sẽ xù lông nhím và phản ứng lại, nhẹ thì cãi vã, nặng thì tấn công nhau, dù thắng hay thua cũng đều nguy hiểm và để lại những thương tích nghiêm trọng.


Cả hai cách trên đều không đem lại kết quả tốt đẹp nào cả.


Do đó, để hóa giải những vấn đề này thì cách hiệu quả nhất là chúng ta hãy đảo vai, đặt mình vào góc nhìn của người khác nhằm lý giải những hành động của họ.


Khi đó vấn đề sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Cách làm này xuất phát từ một sự thật hiển nhiên là bất kỳ điều gì xảy ra đều có lý do của nó, và mình cần quan sát đa chiều để hiểu rõ lý do của người khác.


Ví dụ, ai đó lấy trộm tài sản của mình thì có thể đằng sau đó là gia cảnh của họ quá túng quẫn hoặc người thân đang gặp tai nạn, khó khăn. Chúng ta chỉ cần tạm ngừng suy nghĩ về bản thân và đặt mình vào vị trí của người khác, chúng ta sẽ thấy dễ thông cảm và bao dung hơn cho sai lầm của họ. Chính điều này sẽ làm cho chúng ta thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn.


Khi đặt mình vào vai của người khác, chúng ta không cần cố tỏ ra độ lượng hoặc tìm những lý do chính đáng để suy nghĩ cho người khác. Mà ở đây, mục tiêu là đi tìm giải pháp để giải quyết những cảm xúc tiêu cực.


Ví dụ chúng ta vừa bị mất trộm, thay vì bực dọc chửi bới tên trộm hoặc đau buồn than thở mình xui xẻo, thì chúng ta có thể đổi góc nhìn hướng về phía người ăn trộm kia. Có khi nào, đằng sau họ là mẹ già con thơ cần chăm sóc.


Có thể chúng ta nghĩ sai và thực tế tên trộm là kẻ lười lao động, thích thụ hưởng. Nhưng việc đúng sai không quan trọng bằng việc khi chúng ta có những suy nghĩ như vậy thì cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi tích cực lên rất nhiều.


Tuy nhiên có một sự thật, rằng đôi khi chúng ta đã nghĩ cho người khác rồi, nhưng vẫn không thể thoát khỏi cảm giác tiêu cực. Thì lúc này, chúng ta sẽ cần “nhìn lại mình”, xem mình đã làm gì sai, làm gì chưa tốt và cần thay đổi như thế nào.


Ví dụ trong câu chuyện chúng ta bị ăn trộm, có thể do mình đã hớ hênh không bảo quản kỹ tài sản nên tên trộm có cơ hội thực hiện hành vi trộm cắp của mình.


Tóm lại, chỉ cần làm được hai điều đơn giản là biết “nghĩ cho người khác” và luôn “nhìn lại chính mình”, thì chúng ta đã có thể dễ dàng làm chủ những cảm xúc không hay mà cuộc sống đem lại.


Tuy nhiên, việc áp dụng không phải ngày 1 ngày 2 mà thành, chúng cần được rèn luyện. Ban đầu sẽ hơi khó khăn, nhưng thực hành nhiều sẽ trở thành thói quen và phản xạ tự nhiên.


Những người quản lý được cảm xúc là những người trưởng thành và xác suất thành công trong cuộc sống cao hơn những người khác.


Thời Thế Cập nhật